Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012
Tăng 5% giá điện, EVN lãi thêm bao nhiêu?
Tại buổi họp báo công bố tăng giá điện chiều 21/12, Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri cho biết, doanh thu của EVN năm 2013 ước tính sẽ có thêm 7.000 tỉ đồng từ việc tăng giá điện bình quân thêm 5% từ ngày 22/12.
Để trấn an dư luận về tác động của việc tăng giá điện, ông Tri nhấn mạnh: “Tăng giá điện không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất”.
Những con số được EVN tính toán và đưa ra trong thông cáo báo chí để minh chứng cho luận điểm trên như sau: tăng giá chỉ khiến các hộ sử dụng điện bình thường 100kWh/tháng tăng chi 6.600 đồng/tháng, các hộ sử dụng 150kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng, sử dụng 200kWh/tháng tăng chi 16.200 đồng/tháng, hộ sử dụng 300kWh/tháng tăng chi 27.000 đồng/tháng, các hộ sử dụng 400kWh/tháng tăng chi 38.200 đồng/tháng.
Còn đối với các doanh nghiệp, theo ông Đinh Quang Tri, doanh nghiệp phải tự tính trên cơ sở giá đầu vào của mình vì mỗi doanh nghiệp sử dụng điện khác nhau. EVN không tính thay cho các doanh nghiệp được.
Còn theo ông Đinh Thế Phúc, phó cục trưởng cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) thì tính toán của liên bộ Tài chính – Công thương cho thấy tăng giá điện chỉ tác động đến CPI rất khiêm tốn: 0,12%.
“Việc tăng giá điện là khó tránh khỏi vì thực tế giá điện đang được bán dưới giá thành. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng nhằm mục đích bù một phần các khoản lỗ cho EVN trong mấy năm gần đây. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các dự án điện cũng như khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”, ông Tri nói.
Lý giải về việc “nhằm” thời điểm cuối năm để tăng giá điện, ông Tri cho biết, việc điều chỉnh giá điện năm 2012 là bước đi trong lộ trình thực hiện thị trường hóa giá điện và để giá điện thực sự trở thành tín hiệu thu hút đầu tư vào các công trình điện, đảm bảo cho hệ thống điện có đủ nguồn cung cấp, đủ năng lực truyền tải và phân phối điện, vận hành ổn định.
Hơn nữa, việc tăng giá điện cũng nhằm xử lý một số vấn đề mang tính căn bản, dài hạn hơn để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực phát triển điện lực ở nước ta.
Giá điện Việt Nam trong những năm qua vẫn đang ở mức thấp và thấp hơn giá thành thực tế cho sản xuất kinh doanh điện nếu tính đầy đủ các yếu tố đầu vào theo giá thị trường.
Do vậy, giá điện không bảo đảm được cân bằng tài chính cho các đơn vị sản xuất điện, không hấp dẫn được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn tới tình trạng chậm đầu tư các nguồn điện mới đồng thời không không khuyến khích doanh nghiệp và người sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN
Với góc độ người tiêu dùng thì tăng giá không lúc nào phù hợp, nhưng từ tổng thể kinh tế, EVN chủ yếu đi mua điện và bán lại, bản thân EVN cũng không bù đắp được chi phí nếu bán giá thấp, hơn nữa nếu tiếp tục ép các nhà máy bán giá thấp thì họ cũng không đầu tư thêm nữa và nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh sẽ phải lựa chọn kỹ trong đó nếu chọn gần tổng kết cuối năm thì hợp lý nhất vì có thể nhìn thấy được các chỉ tiêu kinh tế.
Về lộ trình điều chỉnh giá điện thời gian tới, ông Tri cho hay, theo tính toán, EVN đưa ra hai phương án tăng trưởng điện trong năm 2013 là tăng 11% hoặc 13%, nhưng ẩn số lớn nhất là vấn đề nước về thủy điện. Từ đầu năm đến nay, các thủy điện lớn ở miền Trung không có trận lũ nào, phương án xấu nhất thì khả năng phát 1,5 tỷ kWh điện từ dầu FO có thể xảy ra.
Nếu như vậy thì chi phí dầu dự kiến sẽ tăng thêm 6.000-7.000 tỷ đồng để phát điện. Nhưng nếu tiết kiệm được khoản này thì chắc chắn năm tới sẽ không phải tính vào giá thành phát điện.
Nhìn lại năm 2012, sản lượng điện thương phẩm đạt 117 tỷ kWh, trong đó, thủy điện đạt 53 tỷ kWh, nhiệt điện than 21,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu là 159 triệu kWh, nhập khẩu điện của Trung Quốc là 2,2 tỷ kWh....
Dự kiến tiết kiệm điện năng năm 2011 là 9,23% và thực hiện 2012 khoảng 9% vẫn nằm trong phê duyệt của liên Bộ và ngành sẽ phấn đấu giảm xuống mức 8% vào 2015.
0 nhận xét