Đây là bài nói chuyện của tôi tại hội thảo: “Đam mê hành động để thành công”, một trong những hội thảo gây quỹ của Quỹ Heart Beat Vietnam – một quỹ trực thuộc VinaCapital. Tôi đã từng tham gia nói chuyện ở nhiều hội thảo, nhưng đây là một trong những hội thảo đã đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Cảm tốt đẹp về những điều cao cả mà các anh chị trong quỹ Heart Beat Vietnam đã làm trong bao năm qua, cảm xúc về từng người trong ban tổ chức đã chung tay vì các em thiếu nhi một cách không vụ lợi, cảm xúc về tinh thần của tất cả các bạn sinh viên trong khán phòng hôm ấy, mong muốn được học hỏi, được vươn lên để đóng góp cho công động của các bạn.
Có một dịp nào đó tôi sẽ viết bài chia sẻ nhiều hơn về Heart Beat Vietnam. Chúc Heart Beat Vietnam sẽ luôn vững bước và các anh chị điều hành sẽ không mệt mỏi trong những việc làm cao đẹp của mình.
Bên dưới là bài nói chuyện của tôi với tất cả các bạn sinh viên trong hội trường hôm ấy. Hy vọng nó cũng sẽ giúp được chút gì đó cho các bạn khác không có dịp tham gia. Viết lại nhưng tôi cố gắng giữ tinh thần của một buổi nói chuyện chia sẻ, nên giọng văn sẽ giống văn nói hơn là văn viết.
***
- “Anh đã nghĩ mình thành công chưa?”
Câu hỏi này tôi đã hỏi rất nhiều người, những người mà đối với xung quanh họ đã vô cùng thành công rồi, thì họ vẫn ngập ngừng không có được câu trả lời chắc chắn. Ngược lại, nếu bây giờ các bạn hỏi tôi liệu rằng tôi có thấy mình là người thành công chưa? Tôi sẽ mạnh dạn trả lời với các bạn rằng, cho đến giờ phút này, tôi tự hào mình là một người thành công.
Thế tại sao tôi dám nói 1 điều mà những người làm được nhiều điều hơn tôi rất nhiều, những người kiếm được thu nhập cao hơn tôi rất nhiều, những người đang ở địa vị cao hơn tôi rất nhiều – không dám khẳng định. Mà tôi lại dám đưa ra câu trả lời đó.
Tôi dám nhận điều đó không phải vì sự tự kiêu, không phải vì những gì tôi đạt được – cho đến giờ phút này tôi vẫn nghĩ những việc mình đạt được còn rất nhỏ bé so với xung quanh. Tôi dám nhận mình thành công bởi vì tôi biết thật sự thành công đối với tôi là gì. Và thật may mắn, thành công không phải là ở một điểm đến, thành công lại là một quá trình. Và khi tôi đã được ở trong quá trình đó, tôi hoàn toàn chắc chắn mình đang làm một người thành công.
—
Trong suốt bài nói chuyện hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một câu chuyện và tất cả những ví dụ của tôi cũng sẽ xoay xung quanh câu chuyện này: Câu chuyện về cái công viên.
Đa số các công viên ở nước ngoài khi đã mua vé vào cửa, chúng ta sẽ được chơi tất cả những trò chơi mà mình muốn trong suốt ngày hôm đó, không phải trả thêm bất kỳ một chi phí nào nữa. Ở Việt Nam chúng ta cũng có mô hình công viên nước cũng tương tự như vậy.
Mỗi lần vào những công viên này, tôi thường quan sát – và các bạn cũng hãy thử quan sát xem có đúng không – có rất nhiều người người, khi họ vào đến nơi rồi, họ bắt đầu ngồi xuống nhìn người khác chơi. Vì họ có rất nhiều lý do: tôi không biết bơi, trời nắng quá, tôi sợ đen, nhìn nó nguy hiểm quá… Họ có vô vàn lý do, và cuối cùng họ không chơi, họ chỉ ngồi nhìn người khác chơi. Cho đến cuối ngày khi họ ra khỏi công viên, hầu hết họ đều nhận xét rằng công viên này chán quá.
Hẳn là các bạn đã từng thấy những người như thế này rồi.
Bên cạnh đó lại có những người khi họ vào đến nơi, họ sẽ chơi hết tất cả những trò chơi gì mà họ thích, họ la hét, gào rú với bạn bè mình. Và cuối ngày ra khỏi công viên, họ mệt lã người, nhưng họ đã có một ngày chơi vô cùng vui bên bạn bè và những người xung quanh. Và chắc chắn những người như thế này thì dù họ vào bất kỳ dạng công viên nào, khi bước ra họ đều có một kết quả như nhau. Đó là một ngày sao vui quá, một ngày tuyệt vời quá!
Cuộc đời của chúng ta cũng thế các bạn. Chỉ có một điểm khác duy nhất, đó là cái vé vào cửa của chúng ta dài hơn, nó trị giá 70 năm.
Khi chúng ta đã nhìn một cái nhìn toàn cục như thế, chúng ta sẽ thấy mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Thời gian của chúng ta có hạn, và do đó, chúng ta phải làm cách nào đó để tận dụng từng giây từng phút chơi hết mình với những trò chơi mà mình yêu thích.
Không chạy theo số đông
Tại sao? Có những người vào đến công viên, họ cứ đi theo đám đông, và chơi những trò mà nhiều người chơi, dù cho trò chơi đó không phải là trò chơi làm họ yêu thích. Trong nghề nghiệp cũng vậy, chúng ta không được phép chọn những ngành mà xã hội đang cần, những ngành mà nhiều người chọn, những ngành mà gia đình chúng ta, cha mẹ chúng ta muốn chúng ta vào. Bởi vì lúc này xã hội cần thì sẽ đến một lúc nào đó nhu cầu sẽ giảm xuống, chỉ có đam mê là ở lại, vài chỉ có đam mê mới giúp chúng ta luôn luôn cảm thấy vui sướng, hạnh phúc với từng phút giây chúng ta chơi.
Không chơi vì điểm số
Hãy tưởng tượng trong công viên có một trò chơi là ném bóng vào ô, và mỗi lần ném trúng, chúng ta được 100 điển. Và bên cạnh là một trò đua xe rất thú vị, nhưng chạy hì hục cả buổi, nếu thắng chúng ta chỉ được 50 điểm. Liệu rằng chúng ta có nên ngồi cả buổi trong trong công viên đó để chơi duy nhất cái trò ném bóng không? Chắc chắn là không. Có những người họ ngồi ném bóng cả buổi, để rồi cuối ngày họ có được 10 ngàn điểm – và điểm ở đây không mang về nhà được.
Tương tự như vậy trong cuộc sống, điểm chính là tiền. Chúng ta may mắn có được một công việc dễ kiếm ra tiền, nhưng đó lại không phải là việc chúng ta yêu thích, chúng ta làm nó một cách chán chường chỉ để kiếm tiền. Và đến khi chúng ta chết – chúng ta ra khỏi công viên – chúng ta có mang tiền đi theo được không? Chắc chắn là không.
Thế thì hãy chọn trò chơi nào làm bạn thật sự phấn khích, đừng quan tâm đến điểm số, đừng quan tâm đến tiền. Và có một điều may mắn là khi bạn đã làm việc mà mình yêu thích, khác với trong công viên (chúng ta chỉ được cố định từng ấy số điểm), thì trong cuộc đời nếu chúng ta chọn chơi những việc mà mình đam mê, cuộc đời sẽ đền đáp cho chúng ta rất nhiều điểm, tôi cam đoan với các bạn điều đó.
Và cũng đừng chơi vì những ánh hào quang
Chúng ta cũng đừng chơi vì những hào quang xa hoa, giả sử các bạn chơi trò chơi đua xe, thì niềm vui nó đến trong quá trình chúng ta đua xe, chứ không phải là niềm vui chỉ đến khi chúng ta thắng và chúng ta được phát cho một tấm cái mũ ghi ba chữ “NHÀ VÔ ĐỊCH”. Hãy tưởng tượng nếu các bạn không phải đua, bỗng dưng các bạn được phát chiếc mũ vô địch ấy, các bạn có thấy cái việc đội mũ đó là thú vị không? Không!
Do vậy mà trong cuộc sống, trong nghề nghiệp của chúng ta. Đừng chú trọng vào những cấp bậc, chức vụ… Đó chỉ là phương tiện để chúng ta làm việc một cách hiệu quả hơn mà thôi. Tôi có dịp trò chuyện với những người quản lý cấp cao và tôi phát hiện ra rằng họ không phải làm việc vì cái chức danh CEO. Họ làm việc đơn giản vì họ yêu thích những việc hàng ngày họ làm: họ thích nghiên cứu đối thủ, thích xây dựng lên những chiến lược để đẩy những tổ chức lên cao, họ vui vì những điều đó, chứ không phải vui vì cái chức danh CEO cho oai.
Đến đây hẳn các bạn đã biết vì sao tôi dám nói rằng mình là người thành công rồi.
Bởi vì tôi biết tôi đang sống rất thú vị, hàng ngày tôi được làm công việc mà mình đam mê, yêu thích, và mỗi phút trôi qua đối với tôi đều là những phút thú vị.
Trong cuộc sống chúng ta, theo tôi có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải làm cho mỗi giây trôi qua là thú vị.
Thứ nhất: đó là gia đình, sau này các bạn lập gia đình, phải làm sao để xây dựng gia đình của các bạn mỗi phút trôi qua là mỗi phút thú vị.
Và thứ hai: đó là nghề nghiệp.
Vì sao? Vì gia đình và nghề nghiệp là 2 điều sẽ theo bạn trong phần lớn thời gian của cuộc đời. Chúng ta có thể thất bại trong một kỳ thi, có thể thất bại trong một chuyến du lịch, thất bại trong một việc gì đó… Nhưng tất cả những điều đó chỉ là những thất bại nhỏ, nó sẽ làm chúng ta buồn đôi chút, nhưng rồi sẽ qua, nhưng nếu chúng ta có một gia đình thất bại hoặc thất bại trong nghề nghiệp thì đó là thất bại của cuộc đời chúng ta. Vì hai điều này chiếm hầu hết lượng thời gian chúng ta đến với cuộc đời này. Và vì nó chiếm nhiều nhất, nên nó phải là vui nhất.
—
Trong khuôn khổ buổi nói chuyện hôm nay chủ đề của chúng ta là về nghề nghiệp, do đó tôi chỉ chia sẻ về khía cạnh công việc. Khía cạnh gia đình hy vọng sẽ có một dịp khác chúng ta sẽ cùng trao đổi.
Để luôn hạnh phúc trong công việc, những bước mà chúng ta cần trải qua để luôn được hạnh phúc trong công việc thật ra không quá khó khăn. Tôi tìm ra cho mình tổng cộng 3 bước.
Xác định được niềm đam mê của mình
Kết nối đam mê ấy với một nghề nghiệp, công việc nào đó.
Luôn giữ được niềm đam mê và hạnh phúc khi đã được làm việc mình yêu thích.
Nguồn: Hieu's Blog
0 nhận xét